Nợ xấu là gì ? 5 nhóm nợ bạn cần biết
Nợ xấu ngân hàng hay nói ngắn gọn là nợ xấu được hiểu nôm na là khoản nợ mà bên vay không trả lại bên cho vay đúng hẹn theo hợp đồng đã ký kết trước đó. Bên vay ở đây có thể là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, bên cho vay có thể là ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, công ty tài chính,… Cùng tìm hiểu nợ xấu là gì trong bài viết này để hiểu được tầm quan trọng của nó và phương án xử lý khi bị nợ xấu ngân hàng.
Nợ xấu là khoản nợ mà người vay không thể trả cho bên vay đúng thời hạn theo hợp đồng vay. Sau thời gian 90 ngày bên vay không hoàn tất nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì sẽ được tính là nợ xấu. Lúc này người vay sẽ được ghi tín dụng xấu trên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
“Nợ xấu” trong tiếng Anh được gọi là “Bad debt” hoặc “Non-performing loan”.
Phân loại các nhóm nợ xấu
Dựa vào số ngày mà khách hàng trả chậm, ngân hàng nhà nước đã phân loại ra thành 5 nhóm nợ.
Trích dẫn Thông tư 02/2013/TT-NHNN như sau:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn)
- Nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn;
- Nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
- (Nợ được phân loại vào nhóm 1 theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý)
- Nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;
- Nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu;
- Nợ được phân loại vào nhóm 2 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn)
- Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
- Nợ gia hạn nợ lần đầu;
- Nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng;
- Nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nợ của khách hàng hoặc bên bảo đảm là tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
- Nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng hoặc tiền vay được sử dụng để góp vốn vào một tổ chức tín dụng khác trên cơ sở tổ chức tín dụng cho vay nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng nhận vốn góp;
- Nợ không có bảo đảm hoặc được cấp với điều kiện ưu đãi hoặc giá trị vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi cấp cho khách hàng thuộc đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
- Nợ cấp cho các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát có giá trị vượt các tỷ lệ giới hạn theo quy định của pháp luật;
- Nợ có giá trị vượt quá các giới hạn cấp tín dụng, trừ trường hợp được phép vượt giới hạn, theo quy định của pháp luật;
- Nợ vi phạm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng, quản lý ngoại hối và các tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Nợ vi phạm các quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay, chính sách dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Nợ đang thu hồi theo kết luận thanh tra;
- Nợ được phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ)
- Nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai;
- Khoản nợ quy định tại điểm c (iv) khoản 1 Điều này quá hạn từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đã quá thời hạn thu hồi đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được;
- Nợ được phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)
- Nợ quá hạn trên 360 ngày;
- (Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn;
- Khoản nợ quy định tại điểm c (iv) khoản 1 Điều này quá hạn trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đã quá thời hạn thu hồi trên 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được;
- Nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa vốn và tài sản;
- Nợ được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Cách kiểm tra nợ xấu ngân hàng
Có 3 cách để kiểm tra nợ xấu ngân hàng.
Cách 1: Thuê dịch vụ
Bạn có thể thuê nhân viên ngân kiểm tra, với chi phí dao động từ 60.000 đến 200.000. Bạn chỉ cần cung cấp số CMND hoặc CCCD.
Cách 2: Tự kiểm tra trên website: https://cic.org.vn/
Các bước làm như sau:
Bước 1: Đăng ký tài khoản CIC
Bước 2: Hoàn thiện thông tin cá nhân theo đúng căn cước công dân hoặc CMND. Những trường có dấu (*) là trường bắt buộc.
Bước 3: Nhập mã xac nhận OTP được gửi về điện thoại
Bước 4: Đăng nhập và chọn khai thác báo cáo
Lưu ý tại bước 3, khách có thể phải chờ 1 đến vài ngày trung tâm lấy thông tin và gửi lại về mail cho bạn tài khoản đăng nhập.
Cách 3: Kiểm tra nợ xấu bằng ứng dụng trên điện thoại
Bước 1: Tải ứng dụng CIC Credit Connect về máy
Bước 2: Đăng ký tài khoản như cách 2 và đăng nhập
Thông tin phản hồi từ cic sẽ như sau
Từ đây sẽ thấy nợ xấu là gì. Khách hàng có điểm dưới trung bình là nợ xấu.
Chưa hết. Từ đây sẽ thấy được khách hàng đang dư nợ ở tổ chức tín dụng nào, nợ bao nhiêu tiền, thời điểm phát sinh hợp đồng, nợ xấu nhóm mấy,…
Làm gì để không bị nợ xấu ngân hàng ?
Rất đơn giản, không vay vốn ngân hàng thì sẽ chẳng bao giờ bị nợ xấu :)). Tuy nhiên điều ngày gần như không thể vì bất kỳ ai trong chúng đa đều cần đến nguồn vốn từ ngân hàng vừa để tiêu dùng, kinh doanh, đòn bẩy tài chính,…
Dưới đây là một số cách để bạn không bị nợ xấu ngân hàng khi sử dụng vốn vay
- Xác định mục đích vay: Trước tiên, bạn cần xác định rõ mục đích vay tiền. Điều này sẽ giúp bạn biết cần bao nhiêu tiền và sử dụng tiền để làm gì.
- Tìm hiểu các lựa chọn vay: Sau khi xác định được mục đích vay, bạn nên tìm hiểu các lựa chọn vay khác nhau để có thể tìm ra khoản vay phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
- Xác định mức độ cần vay: Tiếp theo, bạn cần xác định mức độ cần vay bao nhiêu. Tránh vay quá nhiều so với khả năng trả nợ của mình.
- Lập kế hoạch sử dụng vốn: Sau khi đã xác định được khoản vay phù hợp, bạn cần lập kế hoạch sử dụng vốn vay để đảm bảo tiền được sử dụng hiệu quả và có lợi nhuận. Bạn nên xác định các khoản chi tiêu cần thiết và ưu tiên những khoản chi phí có tính ưu tiên cao nhất.
- Đặt mục tiêu trả nợ: Bạn cần đặt mục tiêu trả nợ trong thời gian nhất định để tránh tình trạng nợ ngày càng lớn và tính lãi suất ngày càng cao. Bạn nên tìm cách tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập để có thể trả nợ đúng hạn.
- Nâng cao nhận thức bản thân: Cuối cùng, bạn cần có ý thức trả nợ, nhiều người vay vốn đặc biệt là nhóm khách hàng vay tiêu dùng của công ty tài chính nghĩ rằng, vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng nhà nước quy định nên không phải trả, việc đòi nợ của công ty tài chính là sai pháp luật. Đây là một suy nghĩ rất tiêu cực và sai lầm lớn.
Bị nợ xấu ngân hàng cần phải làm gì ?
Khi bị nợ xấu ngân hàng bạn cần xem xét tài chính cá nhân để cân bằng lại. Cố gắng cắt giảm những chi tiêu không cần thiết và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ ngân hàng sớm nhất có thể.
Bạn cũng có thể liên hệ với tổ chức tín dụng mà mình đang nợ để trình bày về tình trạng tài chính hiện tại để xem xét có thể giãn thời gian trả nợ hoặc giảm bớt lãi suất cho mình. Phía cho vay cũng sẽ đưa ra phương án để thoả thuận lại thời gian trả nợ
Ngoài ra, bạn cũng có thể huy động vốn vay từ nguồn khác không thuộc ngân hàng nhà nước quản lý (như người thân, bạn bè, ứng lương công ty,…) để thanh toán khoản nợ xấu ngân hàng.
Và cuối cùng, xây dựng cho mình một điểm tín dụng thật tốt, nợ xấu của bạn sẽ sớm được xoá. Chúng tôi đã có bài hướng dẫn về xây dựng tín dụng tại đây.
Quy định về xử lý nợ xấu của ngân hàng
Vấn đề này được quy định rất rõ tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý nợ xấu:
- Bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
- Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Quy trình cụ thể còn phục thuộc nhiều vào đối tượng khách hàng khác nhau cũng như tình trạng nợ khác nhau. Cơ bản có quy trình chung như sau:
- Bước 1: Liên hệ về địa chỉ hiện tại để gặp khách hàng
- Bước 2: Nếu khách hàng cố ý không trả hoặc không muốn trả thì sẽ nhắc qua người thân, người tham chiếu mà khách hàng đã cung cấp trên hợp đồng vay vốn.
- Bước 3: Nếu khách hàng không trả thì một số ngân hàng sẽ bán nợ sang cho công ty thu hồi nợ. Thường áp dụng với những khách hàng nợ nhóm 3 trở lên.
- Bước 4: Khách hàng cố ý không trả, phía ngân hàng sẽ tiến hành khởi kiện lên toà án có thẩm quyền theo đúng trình tự của pháp luật.
Quy trình xử lý nợ xấu trên không bao gồm những trường hợp khách hàng không còn khả năng lao động hoặc những lý do khác được thoả thuận trên hợp đồng bảo hiểm khoản vay.
Câu hỏi thường gặp
Nợ xấu có bị đi tù không ?
Có thể có hoặc có thể không. Điều này phụ thuộc vào mục đích sử dụng vốn của bạn cũng như nguyên nhân nợ xấu của bạn. Xuất phát từ động cơ khác nhau sẽ chiếu theo những điều luật khác nhau.
Nợ xấu có vay được không ?
Khách hàng vay tổ chức tín dụng thuộc quản lý của ngân hàng nhà nước thì không thể vay được. Tuy nhiên có hiện nay có một số app vay tiền hỗ trợ nợ xấu khách hàng có thể tham khảo.
Ngoài ra một số tổ chức tín dụng cũng cho khách hàng nợ xấu nhóm 2 tiếp cận vốn với hạn mức nhỏ.
Kết luận
Nợ xấu là nợ quá hạn mà bên vay chưa thanh toán trả bên cho vay
Nợ xấu ngân hàng được chia thành 5 nhóm
Nhóm nợ | Mô tả | Số ngày nợ chậm | Thời gian xoá nợ xấu |
---|---|---|---|
Nhóm 1 | Nhóm nợ đủ tiêu chuẩn | Dưới 10 ngày | |
Nhóm 2 | Nhóm nợ cần chú ý | Từ 10 ngày tới dưới 30 ngày | 12 tháng |
Nhóm 3 | Nợ dưới tiêu chuẩn | Từ 30 tới dưới 90 ngày | 3 năm |
Nhóm 4 | Nợ nghi ngờ bị mất vốn | Từ 90 ngày dưới 180 ngày | 4 năm |
Nhóm 5 | Nhóm nợ có khả năng mất vốn | Nợ từ 180 ngày trở lên | 5 năm |
Thời gian xoá nợ xấu có thể phụ thuộc nhiều vào tổ chức cho vay. Tính từ thời điểm khách hàng thanh lý hết khoản vay.
Một số ngân hàng hỗ trợ nợ xấu nhóm 5 đã thanh toán hết chỉ sau 3 năm, nhưng cũng có những công ty tài chính không hỗ trợ nợ xấu nhóm 3 đã thanh toán hết sau 10 năm.
Với bài viết này chắc các bạn cũng đã hiểu được nợ xấu là gì, hy vọng tất cả chúng ta không ai vướng phải nợ xấu.
Trong nhiều năm làm cho nhiều công ty tài chính và ngân hàng thương mại và mình có đúc kết được một số ít kinh nghiệm muốn chia sẻ cho mọi người những gì mình biết.